Văn
Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết". Đó là nhận xét của hai nhà nghiên cứu Hoài Thanh và Hoài Chân về những cảm xúc về cuộc đời luôn mãnh liệt trong thơ Xuân Diệu. Xuân Diệu được coi là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới, thơ ông luôn thể hiện một cách chân thực, nồng nàn và hiện đại nhất những trạng thái cảm xúc của con người trước cuộc sống. Vội vàng là tiếng nói sôi nổi, hăm hở của một tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống đến cuồng nhiệt và là tuyên ngôn cho một quan niệm sống, triết lí sống được thể hiện bằng những hình tượng thơ thấm đẫm cảm xúc. Đây là bài thơ tiêu biểu cho sự bùng nổ mãnh liệt của cái Tôi thơ mới nói chung mà lại in dấu khá đậm hồn thơ Xuân Diệu, vừa rất tiêu biểu cho sự cách tân táo bạo, độc đáo của nghệ thuật thơ ông. Vội vàng là một bài thơ được xem là thành công và tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Diệu. Bài thơ thể hiện khả năng cảm nhận tinh tế vẻ đẹp cuộc sống, đồng thời thể hiện một quan niệm sống, một triết lí nhân sinh tích cực. Trong không gian văn hoá và điều kiện lịch sử xã hội Việt Nam những năm ba mươi của thế kỉ XX mà một người thanh niên đang ở tuổi đôi mươi có thể có những vần thơ rạo rực và triết lí sâu sắc như Vội vàng là một minh chứng thuyết phục cho tài năng được đánh giá là “một trong ba đỉnh cao của thơ mới”. Bài thơ đã mang đến cho bản nhạc đượm buồn và đậm chất đau thương, tuyệt vọng của thơ mới một khúc ca tràn đầy hi vọng. TB: -Giới thiệu tg Xuân Diệu. Vội vàng là bài thơ tiêu biểu nhất cho nét phong cách nổi bật trong thơ Xuân Diệu. Tác phẩm được rút trong tập Thơ thơ, tập thơ xuất sắc và tiêu biểu nhất cho thơ Xuân Diệu trước Cách mạng. Bài thơ thể hiện một tình yêu cuộc sống tha thiết, qua đó thể hiện một quan niệm nhân sinh mới mẻ chưa từng thấy trong thơ ca truyền thống. So với thơ ca truyền thống, bài thơ mới mẻ về cả tư tưởng và thi pháp. Tình yêu cuộc sống tha thiết mãnh liệt đã dẫn đến quan niệm sống hết mình, sống bằng mọi giác quan. Cái cuống quýt vội vàng trong cách sống mà Xuân Diệu thể hiện trong bài thơ không phải là lối sống vội vàng, hưởng thụ cá nhân, mà là sống hết mình. Lý tưởng sống xuyên suốt tác phẩm: 1. Nhan đề: Ngay từ nhan đề, ta đã thấy cái điệu sống vội vàng, cuống quýt, vồ vập, hy vọng chiến thắng thời gian bằng tốc độ sống, nhất là bằng chất luợng sống của tg. Cái điệu sống vội vàng ất bắt nguồn từ những lý do: XD luôn có ý thức về thời gian và sự ngắn ngủi của kiếp người. XD đã bộc bạch: Già sẽ đến giơ tay xua ánh sángĐuổi bướm chim làm sợ cả hoa hương
và dần già càng rõ rệt bộ xương
Mà bạn hữu sẽ đặt nằm dưới đất. 2. a. Những khát khao tận hưởng cuộc sống trần thế Với giọng điệu thôi thúc, cảm xúc gọi nhau tuôn trào từ câu đầu đến câu cuối, Vội vàng lôi cuốn người đọc ngay từ những dòng đầu tiên. Bài thơ mở đầu rất đột ngột bằng một khát vọng lớn : Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất ;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi. Khát vọng được nhấn mạnh bởi sự lặp lại cấu trúc “Tôi muốn...” trong một đoạn bốn câu thơ năm chữ. Nhịp thơ và cấu trúc ấy đã gợi vẻ cuống quýt, vội vàng. Nội dung của ý muốn ấy lại càng độc đáo, đó là “tắt nắng” và “buộc gió”. Đó là khát vọng níu giữ những vẻ đẹp của cuộc đời. “Màu” và “hương” là những tinh tuý của đất trời. Nhà thơ muốn níu giữ lại vẻ đẹp đó. Nhưng “tắt nắng”, “buộc gió” là điều không thể thực hiện. Ngay những dòng thơ đầu tiên đã phảng phất sự bất lực và nuối tiếc của nhân vật trữ tình. Và cũng ngay ở đây, cái Tôi cá nhân của thi sĩ đã xuất hiện với tư thế chủ động trước cuộc đời. Những câu thơ tiếp theo lí giải cụ thể nguyên nhân dẫn đến khát vọng có vẻ “ngông cuồng” ở những câu đầu. Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp được miêu tả sinh động và đáng yêu : Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất ;
Của yến anh này đây khúc tình si ;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa ;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần ; Biện pháp điệp từ lại xuất hiện. Này đây có tính chất như một lời liệt kê, một sự xác nhận về sự hiện hữu của những sự vật được nói tới. Tất cả các sự vật ấy lại đều đang ở thì đẹp nhất, tươi non nhất : tuần tháng mật, đồng nội xanh rì, cành tơ, khúc tình si... Mùa xuân được hiện ra bằng vẻ đẹp của tháng giêng tràn trề sức sống xuân thì và tình tứ giao hoà quấn quýt. Ong bướm, hoa cỏ, chim muông, âm thanh và ánh sáng... hiện ra qua những hình ảnh nhân hoá đều tràn đầy hạnh phúc, tươi non mơn mởn, dạt dào sức sống trong một thế giới ngất ngây mộng ảo. Trong con mắt xanh non háo hức của thi nhân, ngày tháng trở thành "tuần tháng mật", âm thanh của thiên nhiên trở thành những giai điệu vô cùng tình tứ. Ta đã từng nghe đến "khúc nhạc hường", "khúc nhạc thơm" (Này lắng nghe em khúc nhạc thơm - Say người như rượu tối tân hôn) và giờ đây là một "khúc tình si". Còn ánh bình minh lại hiện lên độc đáo qua hàng mi dài của người thiếu nữ chớp mắt làm duyên - "ánh sáng chớp hàng mi". Nhịp thơ dồn dập, điệu thơ, ý thơ không dứt đã diễn tả được sự vui mừng, niềm khao khát đến cuống quýt của nhân vật trữ tình trước vẻ hấp dẫn của thiên nhiên. Và bức tranh thiên nhiên muôn màu muôn vẻ hiện lên đẹp và tràn đầy sức sống. Xuân Diệu đã chọn từ ngữ, hình ảnh và cách diễn đạt giàu tính hình tượng, gợi cảm và rất hiện đại để bộc lộ những cảm nhận tinh tế của mình về cuộc sống. Cao trào của cảm xúc đã giúp nhà thơ sáng tạo nên một hình ảnh thật đắt về vẻ đẹp của thiên nhiên : Tháng giêng ngon như một cặp môi gần Đây là một hình ảnh so sánh táo bạo và độc đáo, nó cũng thể hiện được quan điểm thẩm mĩ hiện đại của Xuân Diệu. Quan điểm này trái ngược với quan điểm của thơ ca truyền thống. Nhà thơ đã dùng vẻ đẹp của con người, thậm chí rất con người (cặp môi gần) để diễn tả vẻ đẹp của thiên nhiên. Nhà thơ đã cụ thể hoá cái khao khát của con người và vẻ đẹp của tự nhiên với từ ngon. Chữ ngon được dùng rất tài hoa. Nhà thơ cảm nhận cái đẹp của mùa xuân không phải bằng thị giác mà bằng cả vị giác, xúc giác, bằng cả tâm hồn luôn "thức nhọn giác quan" để sáng tạo nên một hình ảnh thơ khoẻ khoắn đầy sức sống không chỉ biểu thị niềm vui say ngất ngây trước thiên nhiên mà còn thể hiện một quan điểm mĩ học mới : Con người là thước đo thẩm mĩ của vũ trụ, vẻ đẹp con người trần thế là tác phẩm kì diệu của hoá công, thế giới này đẹp nhất, mê hồn nhất là vì có con người giữa tuổi trẻ, mùa xuân, tình yêu. Tháng giêng là mùa xuân, mùa của sự đâm chồi nảy lộc, của sự hồi sinh, và đây là thời gian vạn vật sinh sôi nảy nở. Cho nên với thi sĩ, xuân luôn là thời gian đẹp nhất trong năm. Và để thể hiện điều đó, Xuân Diệu đã chọn một hình ảnh so sánh thật đắt. Bức tranh thiên nhiên ấy đã đủ cho thấy nhà thơ yêu cuộc sống đến nhường nào ! Nhà thơ viết tiếp : Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa : Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân. Câu thơ đượm màu triết lí. Sau phút giây để cảm xúc thăng hoa cùng vẻ đẹp của đất trời, xúc cảm của nhân vật trữ tình tạm lắng xuống và chuyển sang chiều hướng suy tư. Nhà thơ đã hình ảnh hoá triết lí ấy : không thể để những điều tốt đẹp (xuân) qua đi rồi mới thấy nuối tiếc. Tâm trạng “nắng hạ mới hoài xuân” là tâm trạng rất phổ biến của con người. Bởi thông thường, trong cuộc sống, con người thường không coi trọng những gì mình đang có, chỉ khi nó đã qua đi mới thấy nó có ý nghĩa quan trọng và lại nuối tiếc. Vậy “xuân” không chỉ là hình ảnh khái quát cho những vẻ đẹp của thiên nhiên đã được nhà thơ nói đến ở đoạn thơ trên mà có ý nghĩa khái quát chỉ tất cả những gì mà tạo hoá ban tặng cho con người. 3. Cảm nhận mới mẻ của XD về thời gian Mỗi bài thơ của Xuân Diệu bao giờ cũng là một mạch cảm xúc liên tục. ý thơ nọ gọi và nối với ý thơ kia bằng một mối liên kết tinh tế. Sau triết lí rất khái quát ấy là những dòng lí giải tại sao phải vội vàng : Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Và xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất. Những câu thơ là lời bộc bạch chân thành của chủ thể trữ tình. Đoạn thơ tập trung thể hiện và lí giải quan niệm mới của nhà thơ về thời gian. Theo đó, thời gian trôi đi thì không bao giờ trở lại. Nhà thơ đặt thời gian của vũ trụ trong mối quan hệ với thời gian của đời người để giảng giải quan niệm về sự không tuần hoàn của vạn vật : Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại ! Đúng vậy, có thể trời đất còn mãi nhưng con người không thể sống hai lần nên sự tuần hoàn ấy là vô nghĩa. Mọi người vẫn nói, Xuân Diệu là nhà thơ của “cảm thức về thời gian” quả không sai. Nhà thơ rất nhạy cảm với những bước đi vô hình của thời gian. Vì thế, mỗi thời khắc qua đi là một cuộc chia li đầy nuối tiếc và cảm giác mất mát tràn ngập trong tâm hồn thi sĩ. Nhạy cảm về sự mất mát đến mức cảm nhận được cả “Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi - Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt”. Tâm trạng của con người đã thấm sang cả cảnh vật. Thiên nhiên được nhân hoá, cũng biết hờn, biết sợ như con người.
Tình yêu thiết tha đối với cuộc sống đã khiến chủ thể vội vàng, cuống quýt đến gần như bị ám ảnh. Nó cho thấy con người ấy yêu cuộc sống và quý trọng những giây phút của cuộc đời đến nhường nào. Thái độ ấy của thi nhân thể hiện một quan điểm sống rất tích cực và tiến bộ. Vội vàng không có nghĩa là chỉ lo hưởng thụ, là sống gấp, mà là sống hết mình, sống tốt, nghĩa là phải biết quý trọng những giây phút của cuộc đời mình để khi thời gian trôi đi không còn phải nuối tiếc quá nhiều. Nhà thơ đã cất tiếng giục giã :
Mau đi thôi ! Mùa chưa ngả chiều hôm
Thời gian vẫn còn, cuộc sống vẫn luôn rất đáng yêu vì thế hãy sống bằng mọi giác quan, bằng cả trái tim và khối óc, để hưởng tụ cuộc sống quý giá này. Khổ thơ cuối cùng đã diễn tả đặc biệt thành công khát vọng sống đang sôi trào mạnh mẽ trong trái tim thi sĩ trẻ :
Ta muốn ôm...
Từ Tôi muốn đã chuyển thành Ta muốn, thể hiện sự tăng tiến của khát vọng. Lúc đầu còn e dè, là “tắt nắng”, “buộc gió”. Khát vọng lớn nhưng còn trừu tượng và chung chung. Và dường như chỉ mới dừng lại ở khát vọng níu giữ vẻ đẹp cuộc sống. Còn bây giờ là khát khao hưởng thụ. Và khao khát đó trào dâng rất mãnh liệt.
4. Lời giục giã sống vội vàng, cuống quýt của thi nhân
Một cái tôi ý thức ráo riết về giá trị đời sống của một cá thể, một tâm thế sóng cuồng nhiệt tích cực
Cảm xúc đó được thể hiện ở việc chọn dùng từ, cấu trúc, biện pháp tu từ trong đoạn thơ cuối cùng :
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn ;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi ;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !
Đoạn thơ xuất hiện hàng loạt động từ và đều là động từ mạnh cùng với những tính từ có khả năng biểu hiện cảm xúc mạnh đã bộc lộ được trạng thái cảm xúc cao trào của nhân vật trữ tình. Dường như anh muốn hoà tan mình vào đất trời cây cỏ. Niềm khao khát sống, khao khát giao cảm với đất trời và cuộc đời được bộc lộ mạnh mẽ nhất ở câu thơ cuối :
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !
Có lẽ chỉ có Xuân Diệu với một tình yêu cuộc sống đến cuồng nhiệt say mê mới có thể táo bạo và tạo được sự thăng hoa cảm xúc tới mức này. Không còn là ôm, là riết nữa mà là cắn. Xuân Diệu đã sáng tạo cho thơ Việt Nam một hình ảnh thơ vô cùng độc đáo và đã chứng minh rằng tình yêu cuộc sống có thể đẩy cảm xúc của thi nhân đến đỉnh cao của sáng tạo.
Vội vàng là một dòng cảm xúc chân thành thể hiện tình yêu cuộc sống tha thiết của nhà thơ. Giọng điệu, hình thức câu thơ thay đổi linh hoạt với một thế giới hình ảnh đa dạng và phong phú đã tạo nên sức hấp dẫn của thi phẩm. Xuân Diệu đã sáng tạo một hình thức độc đáo để thể hiện những triết lí nhân sinh và quan niệm sống tích cực và sâu sắc. Đặt bài thơ trong không khí của Thơ mới thì mới cảm nhận được tình yêu cuộc sống của nhà thơ mãnh liệt đến chừng nào.
Những sáng tạo của Xuân Diệu trong Vội vàng đã góp phần đánh dấu bước phát triển mới của thơ ca Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX. Cái Tôi cá nhân vốn còn xuất hiện dè dặt trong thơ ca truyền thống, đến Xuân Diệu đã có những bước đi đàng hoàng và chắc chắn lên văn đàn văn học Việt Nam.
- Kết bài
Vội vàngchất chứa một tình yêu cuộc sống thiết tha, qua đó thể hiện một quan niệm nhân sinh mới mẻ chưa từng thấy trong thơ ca truyền thống. Cái cuống quýt vội vàng trong cách cảm , cách nghĩ mà Xuân Diệu thể hiện trong bài thơ không phải là lối sống hưởng thụ cá nhân, mà là sống hết mình dành tất cả cho cuộc đời.
Mạch cảm xúc hối hả tuôn trào như một dòng chảy kết hợp với mạch luận lí chặt chẽ làm nên chiều sâu của thi tứ.
Nhạc điệu say mê hối hả giục giã cùng với những hình ảnh sáng tạo độc đáo tươi mới đã làm nên cái riêng chưa từng có trong hồn thơ Xuân Diệu.
Những phần cần ý, cần luận điểm được in đậm, những phần pt chi tiết nếu ko muốn xem thì không cần xem. Chỉ topic chú ý viết bài đúng chính tả.
Bài 2:
Cái động thái bộc lộ đầy đủ nhất thần thái Xuân Diệu có lẽ là vội vàng. Ngay từ hồi viết Thi nhân Việt nam, Hoài Thanh đã thấy "Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt". Cho nên, đặt cho bài thơ rất đặc trưng của mình cái tựa đề Vội vàng, hẳn đó phải là một cách tự bạch, tự hoạ của Xuân Diệu. Nó cho thấy thi sĩ rất hiểu mình.
Thực ra, cái điệu sống vội vàng cuống quýt của Xuân Diệu bắt nguồn sâu xa từ ý thức về thời gian, về sự ngắn ngủi của kiếp người, về cái chết như là kết cục không thể tránh khỏi mai hậu. Sống là cả một hạnh phúc lớn lao kì diệu. Mà sống là phải tận hưởng và tận hiến! Đời người là ngắn ngủi, cần tranh thủ sống. Sống hết mình, sống đã đầy. Thế nên phải chớp lấy từng khoảnh khắc, phải chạy đua với thời gian. Ý thức ấy luôn giục giã, gấp gáp.
Bài thơ này được viết ra từ cảm niệm triết học ấy.
Thông thường, yếu tố chính luận đi cùng thơ rất khó nhuần nhuyễn. Nhất là lối thơ nghiêng về cảm xúc rất "ngại" cặp kè với chính luận. Thế nhưng, nhu cầu phô bày tư tưởng, nhu cầu lập thuyết lại không thể không dùng đến chính luận. Thơ Xuân Diệu hiển nhiên thuộc loại thơ cảm xúc. Nhưng đọc kĩ sẽ thấy thơ Xuân Diệu cũng rất giàu chính luận. Nếu như cảm xúc làm nên cái nội dung hình ảnh, hình tượng sống động như mây trôi nước chảy trên bề mặt của văn bản thơ, thì dường như yếu tố chính luận lại ẩn mình, lặn xuống bề sâu, làm nên cấu tứ của thi phẩm. Cho nên mạch thơ luôn có được vẻ tự nhiên, nhuần nhị. Vội vàng cũng thế. Nó là một dòng cảm xúc dào dạt, bồng bột có lúc đã thực sự là một cơn lũ cảm xúc, cuốn theo bao nhiêu hình ảnh thi ca như gấm như thêu của cảnh sắc trần gian. Nhưng nó cũng là một bản tuyên ngôn bằng thơ, trình bày cả một quan niệm nhân sinh về lẽ sống vội vàng. Có lẽ không phải thơ đang minh hoạ cho triết học. Mà đó chính là cảm niệm triết học của một hồn thơ.
Mục đích lập thuyết, dạng thức tuyên ngôn đã quyết định đến bố cục của Vội vàng. Thi phẩm khá dài, nhưng tự nó đã hình thành hai phần khá rõ rệt. Cái cột mốc ranh giới giữa hai phần đặt vào ba chữ "Ta muốn ôm". Phần trên nghiêng về luận giải cái lí do vì sao cần sống vội vàng. Phần dưới là bộc lộ trực tiếp cái hành động vội vàng ấy. Nói một cách vui vẻ: trên là lý thuyết, dưới là thực hành! Điều dễ thấy là thi sĩ có dụng ý chọn cách xưng hô cho từng phần. Trên, xưng "tôi" - lập thuyết, đối thoại với đồng loại. Dưới, xưng "ta" - đối diện với sự sống. Trình tự luận lí có xu hướng cắt xẻ bài thơ. Nhưng hơi thơ bồng bột, giọng thơ ào ạt, sôi nổi như thác cuốn đã xoá mọi cách ngăn, khiến thi phẩm vẫn luôn là một chỉnh thể sống động, tươi tắn và truyền cảm.
Mở đầu bài thơ là một khổ ngũ ngôn thể hiện một ước muốn kì lạ của thi sĩ. ấy là ước muốn quay ngược qui luật tự nhiên - một ước muốn không thể:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Muốn "tắt nắng", muốn "buộc gió" thật là những ham muốn kì dị, chỉ có ở thi sĩ. Nhưng làm sao cưỡng được qui luật, làm sao có thể vĩnh viễn hoá được những thứ vốn ngắn ngủi mong manh ấy? Cái ham muốn lạ lùng kia đã hé mở cho chúng ta một lòng yêu bồng bột vô bờ với cái thế giới thắm sắc đượm hương này.
Thế giới này được Xuân Diệu cảm nhận theo một cách riêng. Nó bày ra như một thiên đường trên mặt đất, như một bữa tiệc lớn của trần gian. Được cảm nhận bằng cả sự tinh vi nhất của một hồn yêu đầy ham muốn, nên sự sống cũng hiện ra như một thế giới đầy xuân tình. Cái thiên đường đầy sắc hương đó hiện diện trong Vội vàng vừa như một mảnh vườn tình ái, vạn vật đang lúc lên hương, vừa như một mâm tiệc với một thực đơn quyến rũ, lại vừa như một người tình đầy khiêu gợi. Xuân Diệu cũng hưởng thụ theo một cách riêng. ấy là hưởng thụ thiên nhiên như hưởng thụ ái tình. Yêu thiên nhiên mà thực chất là tình tự với thiên nhiên.
Hãy xem cách diễn tả vồ vập về một thiên nhiên ở thì xuân sắc, một thiên nhiên rạo rực xuân tình:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Có lẽ trước Xuân Diệu, trong thơ Việt Nam chưa có cảm giác "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần". Nó là cảm giác của ái ân tình tự. Cảm giác ấy đã làm cho người ta thấy tháng giêng mơn mởn tơ non đầy một sức sống thanh tân kia sao mà quyến rũ - tháng giêng mang trong nó sức quyến rũ không thể cưỡng được của một một người tình rạo rực, trinh nguyên.
Hai mảng thơ đầu kế tiếp nhau đã được liên kết bằng cái lôgic luận lí ngầm của nó. Thi sĩ muốn "tắt nắng", muốn buộc gió chính vì muốn giữ mãi hương sắc cho một trần thế như thế này đây. Hương sắc là cái sinh khí của nó, là vẻ đẹp, là cái nhan sắc của nó. Tất cả chỉ rực rỡ trong độ xuân thì. Mà xuân lại vô cùng ngắn ngủi. Và thế là mảng thơ thứ ba của phần luận giải đã hình thành để nói về cái ngắn ngủi đến tàn nhẫn của xuân thì trong sự sống và cái xuân thì của con người. Phải, cái thế giới này lộng lẫy nhất, "ngon" nhất là ở độ xuân; còn con người cũng chỉ hưởng thụ được cái "ngon" kia khi còn trẻ thôi. Trong khi đó, cả hai đều vô cùng ngắn ngủi, thời gian sẽ cướp đi hết thảy. Có lẽ cũng lần đầu tiên, thơ ca Việt Nam có được cái quan niệm này:
Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Con người thời trung đại lấy sinh mệnh vũ trụ để đo đếm thời gian. Nên hình như họ yên trí với quan niệm thời - gian - tuần - hoàn, với cái chu kì bốn mùa, cũng như cái chu kì ba vạn sáu nghìn ngày của kiếp người. Hết một vòng, thời gian lại quay về điểm xuất phát ban đầu. Con người hiện đại lấy sinh mệnh cá thể làm thước đo thời gian. Nên họ sống với quan niệm thời - gian - tuyến - tính. Thời gian như một dòng chảy vô thuỷ vô chung mà mỗi một khoảnh khắc qua đi là mất đi vĩnh viễn. Cho nên Xuân Diệu đã nồng nhiệt phủ định:
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại !
Không chỉ dùng sinh mệnh cá thể, Xuân Diệu còn đo đếm thời gian bằng cái quãng ngắn ngủi nhất của sinh mệnh cá thể: tuổi trẻ. Tuổi trẻ đã một đi không trở lại thì làm chi có sự tuần hoàn.
Trong cái mênh mông của đất trời, cái vô tận của thời gian, sự có mặt của con người quá ư ngắn ngủi hữu hạn. Nghĩ về tính hạn chế của kiếp người, Xuân Diệu đã đem đến một nỗi ngậm ngùi thật mới mẻ:
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời
Không chỉ quan niệm, mà ngay cả cảm giác cũng hết sức mới lạ. Xuân Diệu đã đem đến một cảm nhận đầy tính "lạ hoá" về thời gian và không gian:
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt...
Là người đã tiếp thu ở mức nhuần nhuyễn phép "tương giao" (Correspondance) của lối thơ tượng trưng, Xuân Diệu đã phát huy triệt để sự tương giao về cảm giác để cảm nhận và mô tả thế giới, trước hết là thời gian và không gian. Có những câu thơ mà cảm giác được liên tục chuyển qua các kênh khác nhau. Thời gian được cảm nhận bằng khứu giác: "Mùi tháng năm" - thời gian của Xuân Diệu được làm bằng hương - chẳng thế mà thi sĩ cứ muốn "buộc gió lại" ư - hương bay đi là thời gian trôi mất, là phai lạt phôi pha! Một chữ "rớm" cho thấy khứu giác đã chuyển thành thị giác. Nó nhắc ta nhớ đến hình ảnh giọt lệ. Chữ "vị" liền đó, lại cho thấy cảm giác thơ đã chuyển qua vị giác. Và đây là một thứ vị hoàn toàn phi vật chất: "vị chia phôi"! Thì ra chữ "rớm" và chữ "vị" đều từ một hình ảnh ẩn hiện trong cả câu thơ là giọt lệ chia phôi đó. Giọt lệ thường long lanh trên khoé mắt người trong giờ phút chia phôi. Giọt lệ thành hiện thân, biểu tượng của chia phôi. Vì sao thời gian lại mang hương vị - hình thể của chia phôi? ấy là những cảm giác chân thực hay chỉ là trò diễn của ngôn ngữ theo kịch bản của phép "tương giao"? Thực ra cái tinh tế của Xuân Diệu là ở chỗ này đây. Thi sĩ cảm thấy thật hiển hiện mỗi khoảnh khắc đang lìa bỏ hiện tại để trở thành quá khứ thật sự là một cuộc ra đi vĩnh viễn. Trên mỗi thời khắc đều đang có một cuộc ra đi như thế, thời gian đang chia tay với con người, chia tay với không gian và với cả chính thời gian. Tựa như một phần đời của mỗi cá thể đang vĩnh viễn ra đi. Từng phần đời đang chia lìa với cá thể. Cho nên thi sĩ nghe thấy một lời than luôn âm vang khắp núi sông này, một lời than triền miên bất tận: "than thầm tiễn biệt". Không gian đang tiễn biệt thời gian! Và thời gian trôi đi sẽ khiến cho cái nhan sắc thiên nhiên diệu kì này bước vào độ tàn phai. Một sự tàn phai không thể nào tránh khỏi!
Và, một điều rất đáng nói đã bộc lộ đây đó trong thi phẩm này là: do dùng tuổi trẻ để đo đếm thời gian, nên ở Xuân Diệu đã xuất hiện một ý niệm thời gian khá đặc biệt, đó là thì sắc. Thời gian được nhìn ở phía nhan sắc, gắn với nhan sắc của sự vật. Vì thế mà với hồn thơ này, thời gian, về thực chất không có ba thì phân lập rành rẽ với quá khứ - hiện tại - tương lai, mà chỉ có hai thì luôn tranh chấp và chuyển hoá thôi đó là thời tươi và thời phai. Nó không phải là hai mùa. Không phải Xuân Diệu lược qui bốn mùa vào hai mùa. Mà là hai thì của mỗi một tạo vật thiên nhiên. Thời tươi: vạn vật thắm sắc, thời phai: vạn vật phôi pha, phai lạt. Vật nào trong trần thế này cũng trải qua hai thì ấy. Tất cả những ý niệm thời gian khác như năm tháng, mùa vụ, phút giây... dường như đều tan trong cái ý niệm thì sắc tổng quát đó. Mà ta thấy ở đây, nó hiện diện trong sự đối lập của "độ phai tàn" (thời phai) và "thời tươi":
- Chim rộn ràng chợt dứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa.
- Cho no nê thanh sắc của thời tươi.
Có thể nói ý niệm thì sắc này đã chi phối toàn bộ nhỡn quan Xuân Diệu đối với việc cảm nhận vẻ đẹp của thế giới trong sự trôi chảy vô thuỷ vô chung của nó.
Thế đấy, không thể buộc gió, không thể tắt nắng, không thể cầm giữ được thời gian, thì chỉ có một cách thực tế nhất, khả thi nhất là chạy đua với thời gian, là tranh thủ sống:
Chẳng bao giờ! Ôi chẳng bao gì nữa...
Mau đi thôi! mùa chưa ngả chiều hôm
Đến đây, phần luận giải cuả tuyên ngôn Vội vàng đã đủ đầy luận lí!
Phần cuối của bài thơ là lúc tuyên ngôn được hiện ra thành hành động, ấy là Vội vàng trong hình thái sống của cái tôi cá nhân cá thể này. Bài thơ được kết thúc bằng những cảm xúc mãnh liệt, bằng những ham muốn mỗi lúc mỗi cuồng nhiệt, vồ vập. Đó là cả một cuộc tình tự với thiên nhiên, ái ân cùng sự sống. Chỉ có thể diễn tả như thế, Xuân Diệu mới phô diễn được cái lòng ham sống, khát sống trào cuốn của mình:
Ta muốn ôm:
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Nếu chọn một đoạn thơ trong đó cái giọng sôi nổi, bồng bột của Xuân Diệu thể hiện đầy đủ nhất, thì đó phải là đoạn thơ này. Ta có thể nghe thấy giọng nói, nghe thấy cả nhịp đập của con tim Xuân Diệu trong đoạn thơ ấy. Nó hiện ra trong những làn sóng ngôn từ đan chéo nhau, giao thoa, song song, thành những đợt sóng vỗ mãi vào vào tâm hồn người đọc. Câu thơ Ta muốn ôm chỉ có ba chữ, lại được đặt ở vị trí đặc biệt: chính giữa hàng thơ, là hoàn toàn có dụng ý. Xuân Diệu muốn tạo ra hình ảnh một cái tôi đầy ham hố, đang đứng giữa trần gian, dang rộng vòng tay, nới rộng tầm tay để ôm cho hết, cho khắp, gom cho nhiều nữa, nhiều nữa, mọi cảnh sắc mơn mởn trinh nguyên của trần thế này vào lòng ham muốn vô biên của nó. Cái điệp ngữ:"Ta muốn" được lặp đi lặp lại với mật độ thật dày và cũng thật đích đáng. Nhất là mỗi lần điệp lại đi liền với một động thái yêu đương mỗi lúc một mạnh mẽ, mãnh liệt, nồng nàn: ôm - riết - say - thâu - cắn. Có thể nói, câu thơ "Và non nước, và cây, và cỏ rạng" là không thể có đối với thi pháp trung đại vốn coi trọng những chữ đúc. Thậm chí, đối với người xưa, đó sẽ là câu thơ vụng. Tại sao lại thừa thãi liên từ "và" đến thế? Vậy mà, đó lại là sáng tạo của nhà thơ hiện đại Xuân Diệu. Những chữ "và" hiện diện cần cho sự thể hiện nguyên trạng cái giọng nói, cái khẩu khí của thi sĩ. Nó thể hiện đậm nét sắc thái riêng của cái tôi Xuân Diệu. Nghĩa là thể hiện một cách trực tiếp, tươi sống cái cảm xúc ham hố, tham lam đang trào lên mãnh liệt trong lồng ngực yêu đời của thi s !
Câu thơ:
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
cũng tràn đầy những làn sóng ngôn từ như vậy. Từ "cho" điệp lại với nhịp độ tăng tiến, nhấn mạnh các động thái hưởng thụ thoả thuê: chếnh choáng - đã đầy - no nê. Sóng cứ càng lúc càng tràn dâng, cao hơn, vỗ mạnh hơn, đẩy cảm xúc lên tột đỉnh:
- Hỡi Xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !
Ta thấy Xuân Diệu như một con ong hút nhuỵ đã no nê đang lảo đảo bay đi. Lại thấy thi sĩ như một tình lang trong một cuộc tình chếnh choáng men say.
Sống là hạnh phúc. Muốn đạt tới hạnh phúc, phải sống vội vàng. Thế là, Vội vàng chính là cách duy nhất để đến với hạnh phúc, là chính hạnh phúc và dường như cũng là cái giá trả cho hạnh phúc vậy! Xuân Diệu quả đã mang trong mình nguồn sống trẻ. Xuân Diệu là thi sĩ của nguồn sống trẻ. Ta hiểu vì sao, khi Xuân Diệu xuất hiện, lập tức thi sĩ đã thuộc về tuổi trẻ!
Tràng Giang
của Huy Cận là bài thơ mang vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại. Anh/chị hãy phân
tích bài thơ Tràng Giang để làm sáng tỏ nhận xét trên.
Nhà thơ Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận, với giọng thơ rất
riêng đã khẳng định tên tuổi của mình trong phong trào thơ mới 1930-1945. Ông vốn
quê quán Hương Sơn, Hà Tĩnh, sinh năm 1919 và mất năm 2005. Trước Cách mạng
tháng tám, thơ ông mang nổi sầu về kiếp người và ca ngợi cảnh đẹp của thiên
nhiên, tạo vật với các tác phẩm tiêu biểu như: "Lửa thiêng", "Vũ
trụ ca", Kinh cầu tự". Nhưng sau Cách mạng tháng tám, hồn thơ của ông
đã trở nên lạc quan, được khơi nguồn từ cuộc sống chiến đấu và xây dựng đất nước
của nhân dân lao động: "Trời mỗi ngày lại sáng", "Đất nở
hoa", "Bài thơ cuộc đời"... Vẻ đẹp thiên nhiên nỗi ưu sầu nhân
thế, một nét thơ tiêu biểu của Huy Cận, được thể hiện khá rõ nét qua bài thơ
"Tràng Giang". Đây là một bài thơ hay, tiêu biểu và nổi tiếng nhất của
Huy Cận trước Cách mạng tháng tám. Bài thơ được trích từ tập "Lửa
thiêng", được sáng tác khi Huy Cận đứng ở bờ Nam bến Chèm sông Hồng, nhìn
cảnh mênh mông sóng nước, lòng vời vợi buồn, cám cảnh cho kiếp người nhỏ bé, nổi
trôi giữa dòng đời vô định. Mang nỗi u buồn hoài như thế nên bài thơ vừa có nét
đẹp cổ điển lại vừa đượm nét hiện đại, đem đến sự thích thú, yêu mến cho người
đọc. Bâng khuâng trời rộng nhớ sống dài
Sóng gợi tràng giang buồn điệp điệp
....
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Ngay từ thi đề, nhà thơ đã khéo gợi lên vẻ đẹp cổ điển lại hiện đại cho bài thơ. "Tràng giang" là một cách nói chệch đầy sáng tạo của Huy Cận. Hai âm "anh" đi liền nhau đã gợi lên trong người đọc cảm giác về con sông, không chỉ dài vô cùng mà còn rộng mênh mông, bát ngát. Hai chữ "tràng giang" mang sắc thái cổ điển trang nhã, gợi liên tưởng về dòng Trường giang trong thơ Đường thi, một dòng sông của muôn thuở vĩnh hằng, dòng sông của tâm tưởng.
Tứ thơ "Tràng giang" mang nét cổ điển như thơ xưa: Nhà thơ thường ẩn đằng sau cái mênh mông sóng nước, không như các nhà thơ mới thường thể hiện cái tôi của mình. Nhưng nếu các thi nhân xưa tìm đến thiên nhiên để mong hoà nhập, giao cảm, Huy cận lại tìm về thiên nhiên để thể hiện nổi ưu tư, buồn bã về kiếp người cô đơn, nhỏ bé trước vũ trụ bao la. Đó cũng là vẻ đẹp đầy sức quyến rũ của tác phẩm, ẩn chứa một tinh thần hiện đại.
Câu đề từ giản dị, ngắn gọn với chỉ bảy chữ nhưng đã thâu tóm được cảm xúc chủ đạo của cả bài: "Bâng khuâng trời rộng nhớ sống dài". Trước cảnh "trời rộng", "sông dài" sao mà bát ngát, mênh mông của thiên nhiên, lòng con người dấy lên tình cảm "bâng khuâng" và nhớ. Từ láy "bâng khuâng" được sử dụng rất đắc địa, nó nói lên được tâm trạng của chủ thể trữ tình, buồn bã, u sầu, cô đơn, lạc lõng. Và con "sông dài", nghe miên man tít tắp ấy cứ vỗ sóng đều đặn khắp các khổ thơ, cứ cuộn sóng lên mãi trong lòng nhà thơ làm rung động trái tim người đọc.
Và ngay từ khổ thơ đầu, người đọc đã bắt gặp những con sóng lòng đầy ưu tư, sầu não như thế:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Vẻ đẹp cổ điển của bài thơ được thể hiện khá rõ ngay từ bốn câu đầu tiên này. Hai từ láy nguyên "điệp điệp", "song song" ở cuối hai câu thơ mang đậm sắc thái cổ kính của Đường thi. Và không chỉ mang nét đẹp ấy, nó còn đầy sức gợi hình, gợi liên tưởng về những con sóng cứ loang ra, lan xa, gối lên nhau, dòng nước thì cứ cuốn đi xa tận nơi nào, miên man miên man. Trên dòng sông gợi sóng "điệp điệp", nước "song song" ấy là một "con thuyền xuôi mái", lững lờ trôi đi. Trong cảnh có sự chuyển động là thế, nhưng sao chỉ thấy vẻ lặng tờ, mênh mông của thiên nhiên, một dòng "tràng giang" dài và rộng bao la không biết đến nhường nào.
Dòng sông thì bát ngát vô cùng, vô tận, nỗi buồn của con người cũng đầy ăm ắp trong lòng
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Thuyền và nước vốn đi liền nhau, thuyền trôi đi nhờ nước xô, nước vỗ vào thuyền. Thế mà Huy Cận lại thấy thuyền và nước đang chia lìa, xa cách "thuyền về nước lại", nghe sao đầy xót xa. Chính lẽ vì thế mà gợi nên trong lòng người nỗi "sầu trăm ngả". Từ chỉ số nhiều "trăm" hô ứng cùng từ chỉ số "mấy" đã thổi vào câu thơ nỗi buồn vô hạn.
Tâm hồn của chủ thể trữ tình được bộc lộ đầy đủ nhất qua câu thơ đặc sắc: "Củi một càng khô lạc mấy dòng". Huy Cận đã khéo dùng phép đảo ngữ kết hợp với các từ ngữ chọn lọc, thể hiện nổi cô đơn, lạc lõng trước vũ trụ bao la. "Một" gợi lên sự ít ỏi, nhỏ bé, "cành khô" gợi sự khô héo, cạn kiệt nhựa sống, "lạc" mang nỗi sầu vô định, trôi nổi, bập bềnh trên "mấy dòng" nước thiên nhiên rộng lớn mênh mông. Cành củi khô đó trôi dạc đi nơi nào, hình ảnh giản dị, không tô vẽ mà sao đầy rợn ngợp, khiến lòng người đọc cảm thấy trống vắng, đơn côi.
Nét đẹp cổ điển "tả cảnh ngụ tình" thật khéo léo, tài hoa của tác giả, đã gợi mở về một nỗi buồn, u sầu như con sóng sẽ còn vỗ mãi ở các khổ thơ còn lại để người đọc có thể cảm thông, thấu hiểu về một nét tâm trạng thường gặp ở các nhà thơ mới. Nhưng bên cạnh đó ta cũng nhìn ra một vẻ đẹp hiện đại rất thi vị của khổ thơ. Đó là ở cách nói "Củi một cành khô" thật đặc biệt, không chỉ thâu tóm cảm xúc của toàn khổ, mà còn hé mở tâm trạng của nhân vật trữ tình, một nỗi niềm đơn côi, lạc lõng.
Nỗi lòng ấy được gợi mở nhiều hơn qua hình ảnh quạnh vắng của không gian lạnh lẽo:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Hai từ láy "lơ thơ" và "đìu hiu" được tác giả khéo sắp xếp trên cùng một dòng thơ đã vẽ nên một quang cảnh vắng lặng. "Lơ thơ" gợi sự ít ỏi, bé nhỏ "đìu hiu" lại gợi sự quạnh quẽ. Giữa khung cảnh "cồn nhỏ", gió thì "đìu hiu", một khung cảnh lạnh lẽo, tiêu điều ấy, con người trở nên đơn côi, rợn ngộp đến độ thốt lên "Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều". Chỉ một câu thơ mà mang nhiều sắc thái, vừa gợi "đâu đó", âm thanh xa xôi, không rõ rệt, có thể là câu hỏi "đâu" như một nỗi niềm khao khát, mong mỏi của nhà thơ về một chút sự hoạt động, âm thanh sự sống của con người. Đó cũng có thể là "đâu có", một sự phủ định hoàn toàn, chung quanh đây chẳng hề có chút gì sống động để xua bớt cái tịch liêu của thiên nhiên.
Đôi mắt nhân vật trữ tình nhìn theo nắng, theo dòng trôi của sông:
"Nắng xuống, trời lên sâu ***t vót,
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu."
"Nắng xuống, trời lên" gợi sự chuyển động, mở rộng về không gian, và gợi cả sự chia lìa: bởi nắng và trời mà lại tách bạch khỏi nhau. "sâu ***t vót" là cảnh diễn đạt mới mẻ, đầy sáng tạo của Huy Cận, mang một nét đẹp hiện đại. Đôi mắt nhà thơ không chỉ dừng ở bên ngoài của trời, của nắng, mà như xuyên thấu và cả vũ trụ, cả không gian bao la, vô tận. Cõi thiên nhiên ấy quả là mênh mông với "sông dài, trời rộng", còn những gì thuộc về con người thì lại bé nhỏ, cô đơn biết bao: "bến cô liêu".
Vẻ đẹp cổ điển của khổ thơ hiện ra qua các thi liệu quen thuộc trong Đường thi như: sông, trời, nắng, cuộc sông cón người thì buồn tẻ, chán chường với "vãn chợ chiều", mọi thứ đã tan rã, chia lìa.
Nhà thơ lại nhìn về dòng sông, nhìn cảnh xung quanh mong mỏi có chút gì quen thuộc mang lại hơi ấm cho tâm hồn đang chìm vào giá lạnh, về cô đơn. Nhưng thiên nhiên đã đáp trả sự khao khát ấy bằng những hình ảnh càng quạnh quẽ, đìu hiu:
BÈo dạt về đâu, hàng nối hàng,
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cần gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Hình ảnh cánh bèo trôi bồng bềnh trên sông là hình ảnh thường dùng trong thơ cổ điển, nó gợi lên một cái gì bấp bênh, nổi trôi của kiếp người vô định giữa dòng đời. Nhưng trong thơ Huy Cận không chỉ có một hay hai cánh bèo, mà là "hàng nối hàng". Bèo trôi hàng hàng càng khiến lòng người rợn ngộp trước thiên nhiên, để từ đó cõi lòng càng đau đớn, cô đơn. Bên cạnh hàng nối hàng cánh bèo là "bờ xanh tiếp bãi vàng" như mở ra một không gian bao la vô cùng, vô tận, thiên nhiên nối tiếp thiên nhiên, dường không có con người, không có chút sinh hoạt của con người, không có sự giao hoà, nối kết:
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật.
Tác giả đưa ra cấu trúc phủ định. "...không...không" để phủ định hoàn toàn những kết nối của con người. Trước mắt nhà thơ giờ đây không có chút gì gợi niềm thân mật để kéo mình ra khỏi nỗi cô đơn đang bao trùm, vây kín, chỉ có một thiên nhiên mênh mông, mênh mông. Cầu hay chuyến đò ngang, phương tiện giao kết của con người, dường như đã bị cõi thiên nhiên nhấn chìm, trôi đi nơi nào.
Huy Cận lại khéo vẽ nét đẹp cổ điển và hiện đại cho bầu trời trên cao:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.
Bút pháp chấm phá với "mây cao đùn núi bạc" thành "lớp lớp" đã khiến người đọc tưởng tượng ra những núi mây trắng được ánh nắng chiếu vào như dát bạc. Hình ảnh mang nét đẹp cổ điển thật trữ tình và lại càng thi vị hơn khi nó được khơi nguồn cảm hứng từ một tứ thơ Đường cổ của Đỗ Phủ:
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.
Huy Cận đã vận dụng rất tài tình động từ "đùn", khiến mây như chuyển động, có nội lực từ bên trong, từng lớp từng lớp mây cứ đùn ra mãi. Đây cũng là một nét thơ đầy chất hiện đại, bởi nó đã vận dụng sáng tạo từ thơ cổ điển quen thuộc.
Và nét hiện đại càng bộc lộ rõ hơn qua dấu hai chấm thần tình trong câu thơ sau. Dấu hai chấm này gợi mối quan hệ giữa chim và bóng chiều: Chim nghiêng cánh nhỏ kéo bóng chiều, cùng sa xuống mặt tràng giang, hay chính bóng chiều sa, đè nặng lên cánh chim nhỏ làm nghiêng lệch cả đi. Câu thơ tả không gian nhưng gợi được thời gian bởi nó sử dụng "cánh chim" và "bóng chiều", vốn là những hình tượng thẩm mỹ để tả hoàng hôn trong thơ ca cổ điển.
Nhưng giữa khung cảnh cổ điển đó, người đọc lại bắt gặp nét tâm trạng hiện đại:
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
"Dợn dợn" là một từ láy nguyên sáng tạo của Huy Cận, chưa từng thấy trước đó. Từ láy này hô ứng cùng cụm từ "vời con nước" cho thấy một nổi niềm bâng khuâng, cô đơn của "lòng quê". Nỗi niềm đó là nỗi niềm nhớ quê hương khi đang đứng giữa quê hương, nhưng quê hương đã không còn. Đây là nét tâm trạng chung của nhà thơ mới lúc bây giờ, một nỗi lòng đau xót trước cảnh mất nước.
Bên cạnh tâm trạng hiện đại ấy là từ thơ cổ điện được gợi từ câu thơ: "Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai" của Thôi Hiệu. Xưa Thôi Hiệu cần vịn vào sóng để mà buồn, mà nhớ, còn Huy Cận thì buồn mà không cần ngoại cảnh, bởi từ nỗi buồn nó đã sâu sắc lắm rồi. Thế mới biết tấm lòng yêu quê hương thắm thiết đến nhường nào của nhà thơ hôm nay.
Cả bài thơ vừa mang nét đẹp cổ điển, vừa mang nét hiện đại. Vẻ đẹp cổ điển được thể hiện qua lối thơ bảy chữ mang đậm phong vị Đường thi, qua cách dùng từ láy nguyên, qua việc sử dụng các thi liệu cổ điển quen thuộc như: mây, sông, cánh chim... Và trên hết là cách vận dụng các tứ thơ cổ điển, gợi cho bài thơ không khí cổ kính, trầm mặc của thơ Đường.
Vẻ đẹp hiện đại lan toả qua các câu chữ sáng tạo, độc đáo của nhà thơ như "sâu ***t vót", dấu hai chấm thần tình. Nhưng vẻ đẹp ấy đọng lại cuối cùng là tâm trạng nhớ quê hương ngay khi đứng giữa quê hương, nét tâm trạng hiện đại của các nhà tri thức muốn đóng góp sức mình cho đất nước mà đành bất lực, không làm gì được.
Bài thơ sẽ còn mãi đi vào lòng người với phong cách tiêu biểu rất "Huy Cận", với vẻ đẹp cổ điển trang nhã sâu lắng và vẻ đẹp hiện đại mang nặng một tấm lòng yêu nước, yêu quê hương.
Tràng Giang
Huy Cận là một
trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào “Thơ Mới”. Ông nổi
tiếng với các tác phẩm như: Lửa Thiêng, Vũ trụ ca, Kinh cầu tự…Bạn đọc
biết đến ông nhiều nhất qua bài thơ Tràng giang rút từ tập Lửa
thiêng là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Huy Cận.
Huy Cận tâm sự
rằng, bài thơ Tràng Giang là do con sông Hồng gợi tứ, lúc đầu bài thơ có tên là
Chiều bên sông nhưng sau đó nhà thơ đổi tên là Tràng Giang.
Nhan đề bài thơ Tràng giang gợi lên không khí cổ kính bởi hai từ Hán
Việt gợi hình ảnh một dòng sông dài rộng mênh mông. Không chỉ vậy, âm “ang” gợi
âm hưởng mênh mang như tiếng sóng vỗ vào lòng ta biết bao nỗi niềm. Và nỗi niềm
ấy còn lắng đọng hơn, da diết hơn bởi câu đề từ mang cảm xúc chủ đạo cho toàn
bài “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”.
Bài thơ mở đầu
bằng một Tràng Giang mênh mang sông nước:
“Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Tràng giang hiện
lên với nhiều hình ảnh đẹp trong cổ thi: dòng sông, con thuyền, gợn sóng,…
Nhưng cảnh đẹp mà lại thấm đượm một nỗi buồn da diết bâng khuâng. Hai chữ
“điệp điệp” gợi hình ảnh những con sóng từng gợn nhẹ nhấp nhô
hòa mình vào Tràng giang rồi biến mất trong dòng chảy mênh mông. Sóng của dòng
sông, của thiên nhiên trong phút ấy cũng hóa thành con sóng lòng của thi nhân
với từng nỗi buồn cứ thế trùng điệp ở trong lòng. Nguyễn Du từng viết “Người
buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Có lẽ vì lòng người buồn mà tâm cảnh cũng
nhuốm lên ngoại cảnh. Nhìn đâu thi nhân cũng chỉ thấy cảnh vật rời
rạc chia ly, u sầu cứ thế mà hiện lên trong từng câu chữ. Xưa nay, thuyền –
nước vốn là hai sự vật không thể tách rời thế mà nay chúng lại hững hờ như
không ăn nhập vào nhau “Con thuyền cũng không buồn lái, để mặc xuôi theo
dòng nước lặng lờ. Ngay cả dòng nước trong bản thân con sông cũng không thiết
đến nhau, cứ âm thầm mà chảy “song song”, vờ không quen biết nhau trong đời”.
(Hồ Minh Tú trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định).
Rồi bất ngờ thay,
trên dòng chảy mênh mông ấy, thi nhân bắt gặp cành củi khô đơn độc “Củi một
cành khô lạc mấy dòng”. Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét rằng “Lần
đầu tiên trong lịch sử thi ca, một cành củi khô trôi vào thơ Huy Cận như nỗi cô
đơn của một kiếp người trong xã hội cũ”. “Cành củi” thôi đã gợi
lên sự nhỏ bé, đơn độc lại còn “củi khô” nữa thì lại càng bé nhỏ tội
nghiệp hơn. Phải chăng hình ảnh cành củi khô trôi nổi phù du trên sóng nước
Tràng giang chính là hình ảnh ẩn dụ để biểu tượng cho kiếp người như thi nhân
đang nổi trôi, bơ vơ, vô định giữa dòng chảy của cuộc đời, giữa cuồng phong của
một đất nước mất chủ quyền ?
Vẫn tiếp nối
cái u sầu, buồn bã của khổ một, khổ thơ tiếp theo như đẩy đưa con người lên đến
đỉnh sầu:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu
tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng
xuống, trời lên sâu chót vót.
Sông dài, trời rộng bến cô liêu.”
Huy
Cận tâm sự rằng ông học được ý từ hai câu thơ của Chinh phụ ngâm: “Non Kỳ
quạnh quẽ trăng treo/ Bến phì gió thổi đìu hiu mấy gò”. Và thần
thơ cổ điển ấy đã nhuốm vào Tràng giang mang cái buồn thương hiu hắt. Trên dòng
Tràng giang mênh mông, mọc lên “lơ thơ cồn nhỏ”. Từ láy “lơ
thơ” diễn tả sự rời rạc, thưa thớt của những cồn đất nhỏ nhoi mọc lên giữa
dòng sông gợi cảm giác hoang vắng, cô tịch, tiêu điều, xơ xác. Hai chữ “đìu
hiu” như càng khắc sâu thêm nỗi buồn hiu hắt làm câu thơ chùng xuống như
một tiếng thở dài man mác.
Trong tiếng gió
buổi chiều là âm thanh của cuộc sống con người nhưng nghe mơ hồ quá “
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”. Đâu là ở đâu ? Không xác
định. Đó là thứ âm thanh mơ hồ của một phiên chợ đã vãn theo làn gió lan xa
mãi. Nó chỉ thoáng qua trong gió rồi tắt lịm giữa bóng chiều đang xuống càng
làm cho cảnh chiều hư vô, càng gợi thêm sự vắng vẻ, quạnh hiu. Nhà thơ như đang
bị vây giữa không gian ba chiều rộng lớn “Nắng xuống, trời lên sâu chót
vót/ Sông dài trời rộng bến cô liêu”. Vũ trụ được đẩy lên cao bởi khi nắng
chiều xuống, bầu trời như được nâng lên hẳn làm nên độ cao “sâu chót vót”.
Chữ “sâu” rất ấn tượng. Nếu dùng từ “cao” thì chỉ tả
được độ cao vật lý của bầu trời còn chữ “sâu” vừa tả được độ cao vừa
gợi được cảm giác của con người trước chiều cao ấy. Đó chính là sự rợn ngợp của
hồn người trước cái vô cùng của vũ trụ. Vì thế đọc câu thơ lên ta có cảm giác
hồn mình như đang mênh mang cùng thiên địa. Con người trong phút ấy trở nên nhỏ
bé cô đơn hơn bao giờ hết. Nhà thơ gọi quãng mình đứng là “bến cô liêu”
hay chính tâm hồn thi nhân đang lẻ loi và hoang vắng. Có lẽ Huy Cận và Xuân
Diệu đã đồng điệu khi gọi hồn mình là “bến cô liêu” hay “Chiếc đảo
hồn tôi rợn bốn bề” (Xuân Diệu)
Nhưng chưa dừng lại ở đó, cái tôi cô đơn của thi nhân còn đi sâu hơn nữa vào
ngọn nguồn của nỗi buồn thương:
“
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”
Hình ảnh cánh bèo
trong “bèo dạt về đâu” mang thân phận con người: lạc loài,
trôi nổi. Đó chính là hình ảnh của số phận con người “hàng nối hàng” không
biết đi về đâu trong xã hội cũ khi chưa có cách mạng về. Cảm giác cô đơn khiến
nhà thơ muốn tìm đến một sự gần gũi, một sự kết nối. Phóng tầm mắt ra sông rộng
thấy “Mênh mông không một chuyến đò ngang”; “Không cầu gợi chút
niềm thân mật” để rồi thấm thía một sự đơn độc trọn vẹn. Hai từ “không”
hai lần phủ định “không đò”, “không cầu” trong hai câu thơ như hai cái
lắc đầu buồn bã. Chỉ có con người đơn độc giữa không gian vô tình, vô cảm. Nhìn
đâu cũng chỉ thấy “Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”.
Khổ thơ cuối
cùng khép lại mang niềm tâm sự sâu kín của thi nhân về tình yêu quê hương đất
nước:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”
Một không gian quen thuộc, đúng là hình ảnh trong một bức tranh cổ : một rặng
núi xa, những đám mây bạc từ mặt đất chầm chậm dâng cao. “Có thể nói cảnh
vật hiện lên ở khổ cuối là cảnh vật cô đọng nhất nhưng cũng hàm chứa nhiều ý
nghĩa nhất. Tầng tầng lớp lớp những áng mây chồng chất lên nhau như chất chứa
cả nỗi niềm ẩn khuất của nhà thơ. Động từ “đùn” diễn tả trạng thái hoạt động
tràn đầy sức sống, ánh sáng chiếu vào lấp lánh như màu bạc. Cả bài thơ chỉ có
mỗi dòng này le lói sự sống tươi mới, rực rỡ” (Hồ Minh Tú trường THPT
Chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định). Cảnh thật hùng vĩ tráng lệ nhưng đối lập
với cái hùng vĩ ấy là hình ảnh cánh chim nhỏ bé đơn côi đang “nghiêng cánh
nhỏ”. Bóng chiều buông xuống đè nặng lên cánh chim bé nhỏ, lạc lõng giữa
bầu trời rộng thênh thang. Cánh chim như chở nặng nỗi niềm thi nhân hay chính
là hình bóng thi nhân đang lạc lõng, bơ vơ giữa vòng xoáy cuộc đời?
Không nhìn vào
không gian nữa, nhà thơ nhìn vào chính tâm hồn mình. Thi sĩ gọi tâm hồn mình là
“lòng quê”. “Lòng quê dợn dợn vời con nước”, "dợn
dợn" là một từ láy nguyên sáng tạo của Huy Cận, chưa từng thấy trước
đó. Cho thấy một nỗi niềm bâng khuâng, cô đơn của "lòng quê"
đang “dợn” lên trong tâm hồn thi nhân làm cho hồn người nôn nao
không yên. Nỗi niềm đó là nỗi niềm nhớ quê hương khi đang đứng giữa quê hương
của chính mình nhưng quê hương đã không còn. Đây là nét tâm trạng chung của các
nhà Thơ Mới lúc bây giờ.
Câu thơ cuối cùng
khép lại “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Nhà thơ đã mượn ý thơ
Thôi Hiệu để nói lên nỗi lòng của mình. Cách đó mười thế kỷ Thôi Hiệu
nhìn khói sóng trên sông mà lòng nhớ quê hương da diết khôn nguôi:
Nhật
mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba
giang thượng sử nhân sầu
(Quê
hương khuất bóng hoàng hôn
Trên
sông khói sóng cho buồn lòng ai)
Huy Cận không nhìn
thấy "khói" nhưng vẫn nhớ nhà da diết. Đó chính là tâm trạng
và lòng yêu quê hương sâu kín của nhà thơ. Từ đó bài thơ mở ra một tình
yêu lớn lao hơn mỗi miền quê, mỗi cảnh vật. Tình yêu đó mang nỗi buồn
sông núi, nỗi buồn về đất nước. Phải chăng đó chính là sự đồng điệu của hai tâm
hồn thi sĩ cách nhau mười thế kỷ?
Tràng giang mang
đậm phong vị cổ điển và hiện đại qua việc vận dụng nhuần nhuyễn thể thơ bảy chữ
với cách ngắt nhịp, gieo vần, cấu trúc đăng đối; bút pháp tả cảnh ngụ tình, gợi
hơn là tả …nhiều từ Hán Việt cổ kính còn tình cảm thi nhân mang màu sắc hiện
đại.
“Tràng giang” là một trong những bài thơ hay nhất trong tập thơ “Lửa
thiêng”. Nó là ngọn lửa thiêng liêng, ngọn lửa vĩnh cửu toả sáng một hồn
thơ đẹp. Thi sĩ đã chọn thể thơ thất ngôn với bốn khổ thơ, như một bức hoạ tứ
bình tuyệt tác. Như Xuân Diệu đã từng nói“Tràng giang là bài thơ ca
hát non sông đất nước, do đó dọn đường cho lòng yêu Giang sơn Tổ quốc” .
Đọc “Tràng giang” ta thêm yêu, thêm nhớ đất trời sông núi quê hương
Việt Nam.
Đề bài: Phân tích cảm xúc và tâm trạng của Hàn Mặc Tử qua những câu hỏi
tu từ trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”.
Nhà văn Hàn Mặc Tử là một trong số những nhà thơ
mới có tài năng độc đáo và thống soái một trường thơ: thơ điên.Chế Lan Viên từng quả quyết rằng : "Tôi xin hứa hẹn
với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan
đi, và còn lại của cái thời kì này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử. Bên cạnh
thơ điên, Hàn Mặc Tử còn có những vần thơ trữ tình rất dịu dàng và duyên dáng.
Trong số đó có bài thơ “ Đây thôn Vĩ Dạ”.
Mở đầu bài thơ về Vĩ Dạ thôn là một
câu thơ rất gợi tình, gợi thương:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
Câu hỏi tu từ mở ra một trời liên
tưởng. nó dường như là lời của một người con gái:”sao lâu quá anh không về
Vĩ Dạ?. Câu hỏi mang bao giận hờn trách móc mà cũng ẩn chứa biết bao niềm
thương nhớ: sao anh không về thăm em. Nhưng ngẫm kĩ thêm chút nữa, cũng có thể
nhà thơ đã đã tự đặt câu hỏi cho chính mình:” Sao mình không về thôn Vĩ?” , hỏi
cũng để tác giả tự bài tỏ lòng mình, tự giãi bài nỗi niềm thương nhớ. Thôn Vĩ
Dạ đã từng in dấu chân của tác giả và những kỉ niệm về người thương. Về với Vĩ
Dạ là về với những hình ảnh quen thuộc, với chân trời cảm xúc. Cảnh cũ người
xưa thấp thoáng trong vần thơ đẹp mang hoài niệm, bao kỷ niệm sống dậy trong
một hồn thơ. Nó gắn liền với cảnh sắc vườn tược và con người xứ Huế mộng mơ:
“Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền?”
“Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền?”
Tất cả là của quá khứ hay của hiện
tại trong tưởng tượng của nhà thơ? Chỉ biết là thiên nhiên và con người thôn vĩ
hiện lên thật đẹp. “Nắng hàng cau” là thứ nắng mai tinh khiết khi những hàng
cau thẳng tắp vươn lên chào đón bình minh. Viết về cau trước Hàn Mặc Tử có nhiều:
“Có nắng chiều đột kích mấy hàng
cau”(Nguyên Hồng)
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn
Đông..”(Nguyễn Bính).
Nhưng hàng cau trong hừng đông thì
chỉ Hàn Mặc Tử mới có. Đó là một cái nhìn mê mải, câu thơ tiếp theo là một lời
reo mừng thích thú: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Nhìn vào vườn cây xanh
mướt ấy con người thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn. Đó là lời ca ngợi say sưa của
người yêu thiên nhiên và có ân tình đậm đà với thôn Vĩ. Không những thiên nhiên
mà con người hiện lên với một hình ảnh cụ thể: “lá trúc che ngang mặt chữ điền”
. Mặt chữ điền có thể là khuôn mặt của một người con gái ngay thẳng, phúc hậu
và cũng là khuôn mặt của thôn Vĩ, của con người xứ Huế. Hàn Mặc Tử đã tinh tế
dùng lá trúc che ngang để khuôn mặt chữ điền hiện lên trong một vẻ đẹp kín đáo.
Có thể nói đây là khổ thơ dầu mang nặng những kí ức của tác giả. Tuy câu hỏi
đầu mang vẻ ngậm ngùi tiếc nuối nhưng nhanh chóng chìm đi khi tâm hồn nhà thơ
bị cuốn vào cảnh sắc. Qua đó ta có thể đồng cảm cho một con người mang mặc cảm
bệnh tật nhưng vẫn hướng về cảnh và người thôn Vĩ với tình yêu dạt dào.
Khổ thơ sau vẫn nối tiếp mạch thơ, nhưng không còn êm ái mà tan tác chia lìa:
“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”.
Thường thì gió và mây luôn gắn kết
với nhau nhưng từ nay xa cách nhau. Gió mây ở đây không phải là hiện thực mà nó
mang tâm trạng của người trong cảnh chia lìa. Nhớ Vĩ Dạ nhưng không thể trở về
nơi ấy được nữa nên buồn và nỗi buồn đã tràn ra cảnh vật :”Dòng nước buồn thiu
hoa bắp lay”. Dòng nước thấm cái buồn của ngoại cảnh hay chính là cái buồn thiu
của tâm cảnh. Thiên nhiên đẹp nhưng cũng thật lạnh lẽo, nó mang đầy tâm trạng u
buồn, cô đơn của nhà thơ trước sự xa cách, thờ ơ của cuộc đời đối với mình. Dù
vậy tâm hồn thơ của tác giả vẫn chan chứa tình yêu :”Thuyền ai đậu bến sông
trăng đó-Có chở trăng về kịp tối nay?” Trăng từng xuất hiện rất nhiều trong thơ
Hàn Mặc Tử với đủ hình dạng, trạng thái khác nhau :
”Trăng nằm sóng xoãi trên cành liễu
Đợi gió thu về để lả lơi.”
”Trăng nằm sóng xoãi trên cành liễu
Đợi gió thu về để lả lơi.”
Nhưng Còn ánh trăng ở đây lại là
một ánh trăng huyền ảo, một không gian tràn đầy trăng và thơ. Thuyền ở đây là
thuyền của người thôn Vĩ hay con thuyền của chính tác giả? Chỉ biết con
thuyền chở đầy trăng. Dòng sông Hương dát ánh trăng trở thành dãy ngân hà của
vũ trụ. liệu con thuyền ấy có chở trăng về kịp tối nay hay là một tối khác? Câu
hỏi này cũng là câu hỏi của tác giả liệu mình có đến được bến bờ thời gian khi
mà cuộc sống ngày một khép lại. Có lẽ chỉ có trăng là hiểu dược nỗi lòng của
nhà thơ, có thể là một người bạn đồng hành cùng ông vơi đi cảm giác cô đơn và
mặc cảm bệnh tật.
Qua một loạt các câu hỏi tu từ vườn ai thuyền ai dến cuối cùng là “tình ai”:
“Mo khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà”
Hàn Mặc Tử đắm chìm trong cảnh vật
nhưng vẫn không thôi trăn trở. Thôn Vĩ và con người thôn Vĩ hiền lành phúc hậu,
xinh đẹp, tất cả cũng chỉ là phiếm định, là “ai” mà thôi. Cuộc trở
về trong hoài niệm càng mơ hồ đến cuối cùng nhà thơ trở nên xa lạ trong kí ức
của mình.” Khách dường xa là ai?” Ai mơ khách đường xa? Có phải là hình dáng
của “thuyền ai” “vườn ai”? Hay tác giả lại là một khách đường xa đang trở về
trong mơ nên :”Áo em trắng quá nhìn không ra”, tất cả tạo thành một lời trăn
trở “Ai biết tình ai có đậm đà“. Đó là câu hỏi tu từ đặt ở cuối bài thơ
khiến cho nỗi niềm riêng của nhà thơ càng trở nên xót xa, làm tăng lên nỗi cô
đơn trong tâm một con người thiết tha yêu đời yêu người. Hỏi mà không biết ai
hỏi, hỏi ai. Hỏi mà không có câu trả lời. Câu hỏi rơi vào hư vô, day dứt ám ảnh
không nguôi để lại dư âm trong lòng người đọc.
Đây thôn Vĩ Dạ” là một
bức tranh đẹp về cảnh và người của một miền quê đất nước qua tâm hồn thơ mộng,
giàu trí tưởng tượng và đầy yêu thương của một nhà thơ đa tình đa cảm. Bằng thủ
pháp nghệ thuật liên tưởng cùng với những câu hỏi tu từ xuyên suốt bài thơ, tác
giả Hàn Mặc Tử đã phác họa ra trước mắt ta một khung cảnh nên thơ, đầy sức sống
và ẩn trong đấy là nỗi lòng của chính nhà thơ: nỗi đau đớn trước sự cô đơn,
buồn chán trần thế, đau cho số phận ngắn ngủi của mình. Đây thôn Vĩ Dạ sẽ mãi
là tiếng lòng của một tâm hồn yêu thương con người, tạo vật nhưng đầy bất hạnh.
ConversionConversion EmoticonEmoticon